Theo quy định tại Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;
d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.
2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”.
Đối chiếu quy định nêu trên vào trường hợp của chị thì thấy rằng trong vòng 12 tháng, trước khi chị nghỉ sinh con, chị đã có ít nhất 8 tháng đóng BHXH. Như vậy, chị đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản.
Theo quy định tại Điều 35 Luật BHXH thì Mức hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 240 BLLĐ năm 2012 (có hiệu lực từ 01/05/2013) thì: “Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 01 tháng 5 năm 2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật này”.
Chị bắt đầu nghỉ thai sản từ tháng 04/2013, trước khi BLLĐ năm 2012 có hiệu lực nhưng đến ngày 01/05/2013, chị vẫn trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006. Như vậy, chị đủ điều kiện để được nghỉ thai sản 6 tháng theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012.
Về việc chị hỏi rằng chị đăng kí khám chữa bệnh ở huyện này nhưng sinh ở huyện khác có được thanh toán bảo hiểm không? Chúng tôi xin trả lời chị như sau:
Theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/08/2009 của Bộ Y tế, Bộ tài chính thì trường hợp chị đăng ký khám chữa bệnh ở huyện này nhưng sinh con ở huyện khác vẫn được thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, mức thanh toán có khác, cụ thể là nếu chị được cấp cứu thì chị được thanh toán bảo hiểm y tế 100%. Các trường hợp khác, bảo hiểm y tế chỉ thanh toán theo tỷ lệ % như sau:
+ 70% chi phí đối với bệnh viện hạng III và chưa xếp hạng;
+ 50% chi phí đối với bệnh viện hạng II;
+ 30% chi phí đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt.
Tỷ lệ % chi phí bệnh viện phần còn lại, bảo hiểm y tế yêu cầu chị phải cùng thanh toán.
Hy vọng những thông tin nêu trên sẽ giúp ích cho chị trong việc giải quyết trường hợp của mình.
Chúc chị thật nhiều sức khỏe và nhiều niềm vui,
Trân trọng kính chào chị.Câu hỏi khác
@ Bản quyền của Văn phòng luật sư Thái Thanh Hải
© 2012 www.hailawyers.com.vn. Design by ASB