VKSND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam L.Đ.T (22 tuổi) và T.B.K (36 tuổi, cùng ngụ TP Thủ Dầu Một) để điều tra tội “Cố ý gây thương tích”. Vụ này nghịch lý ở chỗ cơ quan điều tra cho rằng đây là 2 tay “đầu gấu” nguy hiểm, cần cách ly khỏi xã hội nhưng phía người bị hại lại có ý định bãi nại.
“Thằng đó dữ lắm!”
Theo cơ quan điều tra, T. có tiền án “Cướp tài sản”, còn K. vào trại ra khám liên tục vì cướp của; tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy… Cả hai đều chơi ma túy đá. Đặc biệt, khi “phê thuốc”, T. thích dùng một loại hung khí có răng cưa sắc bén để chém người.
Gần đây, cả hai bị bắt giữ vì chém anh Chiêm Văn Bảo (25 tuổi; ngụ phường Tân An, TP Thủ Dầu Một). “Hôm đó, tôi đang nằm trên võng ngủ trưa thì bị một kẻ bịt khẩu trang chém tới tấp rồi chạy ra xe để một đồng bọn chở tẩu thoát. Tôi được bà con đưa đi cấp cứu, máu ra rất nhiều” - anh Bảo kể và cho chúng tôi xem những vết chém còn hằn trên vai, tay, đùi. Trong đó, vết chém ở vai là sâu nhất, phải khâu đến 21 mũi, thương tích 10%.
Theo một lãnh đạo Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Thủ Dầu Một, sau khi nhận tin báo, công an tức tốc sàng lọc hàng loạt đối tượng nghi vấn và xác định T. chém anh Bảo, còn K. là đồng phạm. Một cảnh sát hình sự trực tiếp điều tra vụ án nói: “Chúng tôi đã thu được hung khí mà đối tượng dùng để chém nạn nhân. T. thừa nhận mình chém vì anh Bảo nợ hắn khoảng 2 triệu đồng nhưng chưa trả. Vừa qua, tôi có nghe anh Bảo định bãi nại. Điều này là không nên vì côn đồ thoát án sẽ càng hống hách, xem thường pháp luật”.
Bị hại Chiêm Văn Bảo xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động là phía gia đình có ý định bãi nại. Khi được hỏi vì sao phải làm vậy, anh Bảo nói với vẻ rụt rè: “Thằng đó dữ lắm! Nghe nói ở khu này, nó từng chém 2 người”.
Buộc phải thả
Khoản 1 điều 104 Bộ Luật Hình sự quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự, các vụ án như trên chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Trong trường hợp người bị hại bãi nại trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải bị đình chỉ.
Trên thực tế, cơ quan công an không ít lần đã phải thả “đầu gấu” vì phía bị hại không yêu cầu khởi tố, từ chối đi giám định thương tích hoặc bãi nại. Điển hình, ngày 3-8, Công an TP Thủ Dầu Một ra lệnh bắt khẩn cấp P.H.T (28 tuổi, quê Đắk Lắk) về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Đây là đối tượng chuyên bảo kê các tụ điểm karaoke, từng đi tù vì gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Lần này, gã bị bắt vì dùng rựa chém 3 nhát vào vai và ngực anh Lê Tuấn Anh (18 tuổi, quê Hậu Giang) khiến nạn nhân bị thương rất nặng. Theo điều tra, Tuấn Anh là khách đến quán karoke để hát. Khi thanh toán tiền, Tuấn Anh không đồng ý mức giá liền bị T. chém xối xả. Sau một ngày gây án, T. bị các trinh sát Công an TP Thủ Dầu Một bắt giữ. Tuy nhiên, đàn em của T. nhiều lần đến bệnh viện gây áp lực khiến bị hại trốn viện, trốn luôn khỏi nơi cư trú. Đến nay, cơ quan công an không liên lạc được với Tuấn Anh nên không thể khởi tố vụ án. Trong thời gian chờ đợi Tuấn Anh đến làm việc, công an buộc phải thả gã giang hồ này ra.
“Có lúc giang hồ, dân cho vay nặng lãi đi đánh, chém người xong chỉ cần tung ít tiền ra bồi thường cho bị hại là được bãi nại. Thậm chí, có bị hại không được bồi thường nhưng vì sợ bị trả thù nên không hợp tác với chúng tôi để trừng trị côn đồ. Chúng tôi vất vả truy xét, điều tra, bắt giữ kẻ gây án nhưng buộc phải thả ra. Đây là kẽ hở của pháp luật!” - một trinh sát Công an TP Thủ Dầu Một chia sẻ.
Nhún nhường, cái ác sẽ lên ngôi!
Luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian qua, rất nhiều đối tượng giang hồ cộm cán đã thoát án vì nạn nhân bị mua chuộc hoặc bị đe dọa nên không đề nghị khởi tố hoặc đề nghị rồi sau đó lại bãi nại. “Trong trường hợp kẻ cố ý gây thương tích là đối tượng có “vết đen”, là côn đồ từng bị xử phạt thì nên trao quyền xử lý cho cơ quan điều tra, bị hại có bãi nại thì vẫn tiến hành tố tụng” - luật sư Hải nói.
Theo luật sư Hải, luật hiện nay cũng đã quy định trường hợp có căn cứ xác định người bị hại bãi nại trái với ý muốn do bị ép buộc, cưỡng bức… thì cơ quan điều tra vẫn tiến hành tố tụng đối với vụ án. Thế nhưng, việc tìm ra căn cứ không dễ, đòi hỏi điều tra viên phải giỏi, có khát vọng thực thi công lý. “Nếu điều tra viên phán đoán bị hại bãi nại trái với mong muốn thì nên động viên để họ vững tâm. Ngoài ra, phải lấy lời khai người thân, hàng xóm của bị hại xem thử có phải bị hại bãi nại vì bị cưỡng ép. Riêng phía bị hại, dù chịu áp lực như thế nào thì cũng nên đi giám định thương tích để công an có cơ sở khởi tố vụ án. Thỏa hiệp, nhún nhường trước côn đồ thì cái ác sẽ lên ngôi!” - luật sư Hải nói.
Nguồn tin: Báo Người lao động
Bài viết liên quan:
@ Bản quyền của Văn phòng luật sư Thái Thanh Hải
© 2012 www.hailawyers.com.vn. Design by ASB